Gần 2 triệu người Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới đang tham gia lễ hành hương Hajj năm nay tại thành phố Mecca (Saudi Arabia) trong thời tiết nắng nóng gay gắt.
Lễ hành hương Hajj kéo dài nhiều ngày, với các hoạt động chủ yếu tổ chức ngoài trời, trong khi nhiều người hành hương tuổi cao và ốm yếu.
Các số liệu từ các nước có người tham gia hành hương cho thấy hơn 900 người đã tử vong trong điều kiện thời tiết nắng nóng tại lễ hành hương năm nay, trong khi hàng nghìn người được thông báo mất tích.
Thành phố Mecca - thành phố linh thiêng nhất của đạo Hồi - đã ghi nhận nhiệt độ lên tới 51,8 độ C trong ngày 17/6.
Các nhà khoa học về khí hậu cảnh báo rằng nắng nóng khắc nghiệt khiến nhiều người hành hương tử vong có thể xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn do cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ.
Các nghi thức truyền thống tại lễ Hajj, trong đó có việc leo lên núi Arafat, đang ngày càng trở nên nguy hiểm đối với sức khỏe của người hành hương trong điều kiện khí hậu hiện nay.
Một nguồn tin ngoại giao Arab cho biết có ít nhất 600 người Ai Cập hành hương đã tử vong tại Hajj năm nay, nguyên nhân tử vong phần lớn do nắng nóng.
Ngoài ra có nhiều người hành hương tử vong đến từ Jordan, Indonesia, Iran, Senegal, Tunisia và khu vực tự trị người Kurd ở Iraq. Năm ngoái, lễ hành hương Hajj cũng ghi nhận hơn 200 người thiệt mạng, phần lớn đến từ Indonesia.
Một báo cáo cho biết số người mất tích tại lễ hành hương năm nay đã lên tới mức đáng báo động, nhiều thân nhân của những người mất tích đang nỗ lực tìm kiếm tại các bệnh viện và cả trên mạng xã hội.
Theo báo cáo, một số người hành hương không có đăng ký và giấy phép thích hợp không tiếp cận được các cơ sở vật chất thiết yếu, khiến họ dễ bị tổn thương hơn trong thời tiết nắng nóng cực đoan.
Hajj là một trong 5 trụ cột của đạo Hồi và tất cả người Hồi giáo đủ khả năng tài chính phải hoàn thành lễ hành hương này ít nhất một lần trong đời. Trong nhiều năm qua, các nghi lễ chủ yếu ngoài trời đã giảm dần, trong bối cảnh thời tiết mùa Hè ở Saudi Arabia ngày càng nắng nóng.
Saudi Arabia đã thực hiện một số biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro, chẳng hạn như tạo ra các khu vực có bóng râm, các điểm cấp nước cũng như nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe.
Biện pháp phun nước vào đám đông để làm mát cũng được thực hiện, song được cho là kém hiệu quả vì nếu nhiệt độ quá cao, phun nước không giúp làm mát người, thậm chí có thể gây thêm rủi ro khi cơ thể người cố gắng tỏa nhiệt qua mồ hôi trong điều kiện ẩm ướt./.